MỤC LỤC
1/ Két sắt dễ bị phá, nhà sản xuất có chịu trách nhiệm?
2/ Két sắt và ... cát.
3/ Sản xuất két bạc: Chất lượng “giời ơi”.
4/ Cuộc chiến chống trộm két.
Két sắt dễ bị phá, nhà sản xuất có chịu trách nhiệm?
Chỉ trong cuối tháng 5-2006, trên địa bàn quận Cầu Giấy liên tiếp xảy ra những vụ phá két sắt để trộm tài sản. Điều đáng chú ý là hai lớp thép bảo vệ của những két sắt này rất mỏng và mềm, thậm chí chỉ cần lấy kéo cũng có thể cắt được.
Rộ lên nạn phá két để trộm tài sản
Tối 18-5, anh Nguyễn Quốc H, trú tại tổ 16, phường Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội đi làm về phát hiện chiếc két sắt hiệu Hòa Phát của gia đình đặt tại tầng hai đã bị phá bung một mảng lớn, hơn 20 triệu đồng đã không cánh mà bay. Kiểm tra lại cửa chính, cửa sổ đều không bị phá, kẻ gian đã đột nhập bằng cách phá chốt cửa tum.
Cũng trên địa bàn Cầu Giấy, vụ đột nhập và phá két gần đây nhất vào ngày 9-6. Khi đi làm về, gia đình chị Đặng Thanh V, trú tại tổ 49, phường Nghĩa Đô, Cầu Giấy phát hiện chiếc két sắt hiệu Hòa Phát của nhà mình đã bị kẻ gian đục thủng một bên vách. Toàn bộ số tiền vàng hơn 30 triệu đồng trong két sắt và trong tủ gần đó đã bị lấy đi mất. Sau khi phá cửa tum đột nhập vào, kẻ gian đã ung dung ngồi trong nhà nạn nhân và đục két.
Tại trụ sở Công an quận Cầu Giấy, Trung tá Nguyễn Đức Minh - Đội trưởng Đội CSĐT tội phạm về TTXH chỉ cho chúng tôi xem một chiếc két sắt vừa bị cạy phá đưa về đây. Nếu không nhìn thấy tận mắt thì khó tin được rằng, chiếc két sắt trông bề ngoài chắc chắn như vậy nhưng vẫn bị xé rách một lỗ thủng rộng ngay bên hông trông rất thảm hại. Hai lớp thép bảo vệ của chiếc két sắt mỏng và mềm một cách khó tin. Các trinh sát cho biết, lớp thép này mỏng đến nỗi chỉ cần lấy kéo cũng có thể cắt được?!
Theo số liệu thống kê của Công an TP Hà Nội, trong thời gian gần đây, tình trạng tội phạm đột nhập phá két sắt để trộm cắp tài sản có chiều hướng gia tăng với số lượng hơn 30 vụ.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hiện trên thị trường có trên dưới 20 loại két sắt cả trong nước và ngoại nhập đủ loại kích cỡ, với đủ lời quảng cáo tận trời xanh. Tuy nhiên, ngoài những sản phẩm của các hãng có uy tín, nhiều sản phẩm hàng giả, hàng nhái cũng xuất hiện. Chỉ đến khi có trộm đột nhập vào nhà phá két, nhìn thấy những lớp vỏ mỏng mảnh bị xé toác ra, khách hàng đã đặt niềm tin vào những "ông thần hộ pháp" này mới hối hận vì đã trao gửi niềm tin không đúng chỗ.
Những vấn đề cảnh báo
Theo cơ quan điều tra, nhiều vấn đề cần cảnh báo đối với cả hai phía là nhà sản xuất, cung ứng, kiểm định két sắt lẫn người có nhu cầu sử dụng. Bị hại Nguyễn Quốc H ở phường Dịch Vọng Hậu cho biết, khi có nhu cầu, vợ chồng anh đã đến đại lý bán hàng trên đường Kim Mã mua một két sắt.
Quả thực là họ chỉ quan tâm tới quy cách và giá cả, còn chất lượng hoàn toàn tin theo lời quảng cáo của nhà sản xuất. Chỉ khi kẻ gian cắt phá họ mới vỡ lẽ rằng những chiếc két sắt nơi gửi gắm niềm tin coi giữ tài sản của mình quá mỏng. Thực tế từ hiện trường các vụ trộm cho thấy, chất lượng các loại két sắt bán trên thị trường hiện nay rất kém.
Theo quy định, nhà sản xuất muốn lưu hành sản phẩm phải đăng ký mẫu mã, chất lượng. Nhưng chất lượng két sắt bền như thế nào thời gian qua ai cũng thấy rõ. Điều này cho thấy công tác kiểm định, kiểm soát chất lượng mặt hàng này thời gian qua bỏ ngỏ.
Dư luận yêu cầu cơ quan chức năng buộc các nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm về sự an toàn của két sắt. Đối với các doanh nghiệp sản xuất két, ai chịu trách nhiệm kiểm soát họ có tuân thủ quy trình công nghệ và an toàn sản phẩm? Dư luận đang hướng tới một điều, két sắt không bảo đảm an toàn thì phải xác định rõ chủ thể phải bồi hoàn tài sản cho họ?
Theo Công an nhân dân
Két sắt và...cát
“Trung tá Nguyễn Văn Phấn - Đội CSHS, CAQ Cầu Giấy cho biết, theo tiêu chuẩn sản xuất két sắt, ở giữa 2 lớp vỏ phải có 1 lớp chống cháy. Tuy nhiên, nhiều chiếc két sắt được sản xuất hiện nay không đảm bảo chất lượng. Thay vì có 1 lớp cách nhiệt như trên, bên trong phần này được “nhà sản xuất” độn vào đầy cát. Nhiều người mua phải loại két này, nhấc lên thấy nặng cứ tưởng mua được két tốt nhưng không ngờ rằng, chính cái chất “chống cháy” kia lại tạo cơ hội cho các đối tượng trộm cắp thực hiện nhanh hơn hành vi phá két. Khi các đối tượng sử dụng bình khò, máy hàn hơi phá két, theo nguyên lý cát bên trong két sẽ nóng và dẫn nhiệt khiến cho vỏ két vỡ nhanh hơn. Mặt khác, cánh cửa két cũng được “chế tác” mỏng nên kẻ trộm có thể dùng vật cứng đục phá được… Đáng báo động, những chiếc két không đảm bảo an toàn như trên hiện vẫn đang được bày bán nhan nhản ở khắp các cửa hàng trên địa bàn thành phố mà không được kiểm định chất lượng”.
Trích đoạn báo an ninh
Phong Thủy
Sản xuất két bạc: Chất lượng “giời ơi”
Thời gian gần đây, VnMedia đã liên tiếp nhận được khá nhiều thông tin về việc sản xuất hàng loạt sản phẩm két sắt, két bạc ở thôn Đại Tự thuộc xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây. Theo phản ánh, ngoài chuyện các cơ sở sản xuất sản phẩm mang nhãn mác Việt-Nhật, Việt-Đức, Việt–Mỹ… gây sự hiểu nhầm cho khách hàng về một sản phẩm được liên doanh liên kết với nước ngoài, thì chất lượng chưa hẳn đảm bảo như đã quảng bá: Chống trộm, chống cháy, nổ…
Két sắt, mạnh ai người ấy làm
Không đầy 6 tháng đầu năm 2007, hơn hai chục công ty trách nhiệm hữu hạn của các hộ gia đình, tại thôn Đại Tự, xã Kim Chung, liên tiếp được thành lập và tập trung đầu tư mở xưởng sản xuất két bạc. Nói là công ty, nhưng theo một số các đại diện “doanh nghiệp” ở đây thì lao động hầu hết là người trong gia đình, họ hàng, tụ lại làm nghề.
Giải thích về sự “phất lên” một cách đột biến của Đại Tự, ông Phạm Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã, cho hay: “Đại Tự là thôn có nghề cơ khí khá lâu đời, không xác định được chính xác thời điểm. Và nghề làm két bạc cũng chỉ mới rầm rộ xuất hiện từ đầu năm lại đây. Khởi nguồn vào năm 1997, gia đình ông Đỗ Văn Bản, người đầu tiên bắt tay vào sản xuất két bạc, với tính chất “nghề phụ”, đã giầu lên trông thấy. Rải rác đầu những năm 2000, vài ba hộ kế tiếp mở thêm nghề làm két. Cho đến năm 2007, sau khi Đại Tự được UBND tỉnh Hà Tây chính thức công nhận “làng nghề” (ngày 1/2/2007-PV), thì hàng loạt hộ trong làng ồ ạt tiến hành đăng ký kinh doanh sản xuất két bạc. Tính đến thời điểm hiện tại, tổng số gia đình trong làng theo nghề này đã lên tới 27 hộ, với số lao độngkhoảng hơn 1.500 người…”.
Ông Nguyễn Văn Dũng, giám đốc Công ty TNHH Sản xuất két bạc Sơn Hà, tâm sự: “Cảnh đi làm thuê chẳng biết bao giờ mới khá lên được, tôi về nhà mở xưởng. Nhưng để tiêu thụ sản phẩm thì cần phải có nhãn mác riêng, phải có công ty để giao dịch… thế là công ty TNHH Sản xuất Két bạc Sơn Hà ra đời, mà lao động chính là người nhà, họ hàng cùng tham gia sản xuất…”.
Theo ông Dũng, việc chế xuất một chiếc két bạc chẳng hề khó, “ăn nhau” là ở quan hệ và thương hiệu. Thông thường, một chiếc két có cấu trúc gồm 3 phần: Mặt trên, thân và đế két. Ngoài phần khung được dựng bằng sắt chữ V, thì phần thân bao gồm 3 lớp: Lớp vỏ ngoài và bên trong được làm bằng tôn có độ dầy 0,9mm. Giữa 2 lớp tôn được nèn chặt bởi một lớp cát đen với độ dầy từ 2-3cm (tuỳ thuộc vào kích cỡ), có tác dụng cách nhiệt. Phần trên và đế két cũng được làm tương tự, nhưng điểm khác biệt giữa 2 lớp tôn không phải được nèn bằng cát mà bằng bê tông (một thứ hỗn hợp cát – xi măng- PV). Riêng phần cửa két được gia công bằng loại tôn có độ dầy từ 3-5mm. Khoá két là sản phẩm trong nước, mua lại từ các công ty chuyên kinh doanh mặt hàng khoá. Sau khi hoàn tất các công đoạn, két bạc được sơn phủ một lớp có độ dầy 0,03mm… Còn nguyên liệu để sản xuất thì không nhất thiết phải một chỗ nào, đâu phù hợp thì mua…
Trái ngược với cách hiểu về chứng nhận chất lượng sản phẩm của một số doanh nghiệp ở làng Đại Tự, đại diện Chi Cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng Hà Tây, thuộc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hà Tây, khẳng định: “Hiện Việt Nam chưa có quy chuẩn đối với mặt hàng này, vì nó chỉ đơn thuần là sản phẩm phổ thông nên không thuộc diện bắt buộc. Các cơ sở sản xuất tự xác định để đưa ra tiêu chuẩn của họ, rồi công bố sản xuất theo tiêu chuẩn ấy và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về sản phẩm của mình…”.
Điều này cho thấy, do chưa có một quy chuẩn cụ thể đối với sản phẩm két bạc nên việc xác định chất lượng là hết sức tù mù. Và đương nhiên, người tiêu dùng cũng khó mà được hưởng đúng quyền lợi như nhiều nhà sản xuất vẫn thường quảng bá: Chống trộm, chống cháy, chống nổ (?)
Đến chuyện nhãn hiệu két bạc
Theo thông tin phản ánh, cách gắn nhãn trên các sản phẩm của một số cơ sở sản xuất két bạc, tại thôn Đại Tự, xã Kim Chung, không rõ ràng, khiến cho người tiêu dùng ngộ nhận về một sản phẩm được liên doanh, liên kết với nước ngoài, lập lờ theo kiểu “đánh lận con đen”…
Tại Khoản 2, Điều 3, Nghị định 89/2006/NĐ-CP, ngày 30/8/2006, của Chính phủ về nhãn hàng hoá, quy định: “Việc “ghi nhãn hàng hoá” là thể hiện nội dung cơ bản, cần thiết về hàng hoá lên nhãn hàng hoá để người tiêu dùng nhận biết, làm căn cứ lựa chọn, tiêu thụ và sử dụmg; để nhà sản xuất kinh doanh, quảng bá cho hàng hoá của mình và để các cơ quan chức năng thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát”. Tuy nhiên, bên cạnh một số sản phẩm được ghi nhãn khá rõ ràng, chi tiết như: Sản phẩm của Công ty TNHH Sản xuất Két bạc Sơn Hà, Công ty TNHH Kim khí nội thất Đại Phát… thì ngược lại, trên sản phẩm của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Việt- Đức, Công ty TNHH Kim khí Việt Nhật… việc ghi nhãn chưa thể hiện được hết nội dung quy định về cách ghi nhãn hàng hoá, tại Nghị định số 89/2006/NĐ-CP của Chính phủ…
Cụ thể, theo quy định tại Khoản 1, Điều 11, Nghị định số 89/2006/NĐ-CP về “Nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hiệu hàng hoá”:1- Tên hàng hoá. 2- Tên và địa chỉ tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hoá. 3- Xuất xứ hàng hoá. Riêng yêu cầu về “xuất xứ hàng hoá”, Khoản 1 Điều 14 ghi rõ: “ Hàng hoá được sản xuất trong nước thì ghi tên của tổ chức, cá nhân và địa chỉ cơ sở sản xuất hàng hoá đó”. Rõ ràng, việc thiếu thông tin theo đúng quy định về nhãn sản phẩm của những doanh nghiệp trên dễ khiến cho người tiêu dùng ngộ nhận, lầm tưởng…
Trao đổi với phóng viên, một chuyên viên Chi Cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Hà Tây cho biết: “Việc ghi nội dung nhãn trên sản phẩm theo quy định Nghị định số 89 là bắt buộc. Nội dung nhãn ghi thiếu, không đầy đủ là sai quy định, vi phạm nghị định…”.
Rõ ràng, việc sản xuất két bạc tại thôn Đại Tự thuộc xã Kim Chung, đơn thuần chỉ dựa trên những tiêu chuẩn do các cơ sở sản xuất tự đề ra, chưa có bất kỳ ràng buộc theo quy chuẩn sản xuất két bạc mà Nhà nước quy định. Và chất lượng sản phẩm két bạc ở làng Đại Tự cũng chưa hề được cơ quan chức năng nào chứng nhận.
Đến thời điểm hiện tại, theo con số thống kê của Chi Cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Hà Tây, xã Kim Chung có 20/27 cơ sở sản xuất két bạc chính thức công bố tiêu chuẩn chất lượng. Như vậy, hiện tồn tại một lượng lớn két bạc đang “trôi nổi” trên thị trường, không có được sự đảm bảo tối thiểu về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm từ phía các nhà sản xuất. Rõ ràng, trong chuyện này chỉ người tiêu dùng vẫn là người chịu thiệt.
Ông Nguyễn Văn Thường, chuyên viên phụ trách Quản lý chất lượng, thuộc Chi Cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Hà Tây: “Chứng nhận Tiêu chuẩn chất lượng không không thay thế cho chứng nhận chất lượng…”.
Việc xác nhận tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm két bạc, được sản xuất ở xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Tây đơn thuần chỉ là xác nhận của cơ quan nhà nước đối với các doanh nghiệp khi họ đề nghị được công bố tiêu chuẩn chất lượng cho sản phẩm, khi đưa ra thị trường.
Tiêu chuẩn chất lượng hàng hoá không thay cho giấy chứng nhận chất lượng, cũng không thay thế cho chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn được. Công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp chỉ đơn giản là cam kết ban đầu của doanh nghiệp về một sản phẩm. Không có cam kết thì không có kiểm tra, mà không có cam kết thì không có tính pháp lý. Chi cục chỉ thừa nhận là doanh nghiệp có cam kết với người tiêu dùng về mặt quản lý Nhà nước, để các cơ quan chức năng khác có trách nhiệm dựa vào đó kiểm tra, là chứng lý để soi xét….
Nguồn: VnMedia
Cuộc chiến chống trộm két
Những nhà sản xuất két sắt và những tên trộm két đã “chạy đua” với nhau không ngừng nghỉ trong hơn một thế kỷ qua. Mỗi khi những tên trộm tìm ra được một phương thức để thâm nhập mẫu két sắt mới thì những nhà sản xuất cũng tìm cách phát triển một kiểu lẫy khóa phức tạp hơn, dùng loại thép chất lượng cao hơn hay thiết kế những kiểu bản lề không thể xuyên thủng được. Sau đó những tên trộm lại cải tiến kỹ nghệ của chúng và vòng tuần hoàn lại bắt đầu.
Từ những năm 1940 LAPD đã đi đến quyết định cần thiết phải có một bộ phận riêng biệt và đã huấn luyện thám tử với những nghiệp vụ chuyên môn về két sắt.